top of page
Ảnh của tác giảNguyễn Xuân Hải

Chia tay Robert E. Lucas Jr.

Robert Emerson Lucas Jr. từ biệt thế giới vào ngày 15/5/2023, chính thức dừng những đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế học sau nhiều chục năm cống hiến không ngừng nghỉ. Tất nhiên, những sản phẩm học thuật mà ông để lại vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng căn bản để các thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và phát triển.


Với những cống hiến của ông, giới nghiên cứu đều đã đánh giá Lucas là một trong những nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại, xứng đáng đứng cùng những nhân vật như Adam Smith, Irving Fisher, John M. Keynes, Milton Friedman, Alan Greenspan, … vốn được công chúng biết đến nhiều hơn. Thậm chí nhiều người đã từng nói, kinh tế học vĩ mô hiện đại chia ra hai giai đoạn phát triển là “trước” và “sau” Robert E. Lucas Jr.


Kỳ vọng hợp lý


Đóng góp quan trọng đầu tiên của Lucas có lẽ là giả thuyết “kỳ vọng hợp lý” (rational expectatoins), xuất phát từ ý tưởng trong nghiên cứu năm 1961 của John F. Muth và được Lucas bắt đầu hệ thống hoá từ năm 1970. Theo giả thuyết này, mỗi cá nhân, chủ thể trong nền kinh tế luôn nhìn vào tương lai để hình thành “kỳ vọng hợp lý”, trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết định kinh tế. Đây là giả thuyết tương phản “kỳ vọng thích ứng”, khi quyết định kinh tế được dựa chủ yếu trên dữ liệu quá khứ.


Ví dụ điển hình nhất là cách ứng xử của người dân và doanh nghiệp trước chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương. Trong phạm vi của kỳ vọng thích ứng, lạm phát của quá khứ (gần) sẽ xác định lạm phát của ngày hôm nay. Khi ngân hàng trung ương giảm lãi suất ngắn hạn, người dân và doanh nghiệp sẽ vay để tiêu dùng lớn và đầu tư dài hạn, qua đó kích cầu kinh tế như mục đích của chính sách. Tuy nhiên, trong phạm vi của kỳ vọng hợp lý, việc giảm lãi suất về lâu dài sẽ tạo ra lạm phát, nên để đảm bảo quyền lợi lâu dài, bên cho vay sẽ tính lạm phát tương lai vào thời điểm hiện tại. Như vậy, lãi suất vay tiêu dùng và đầu tư dài hạn sẽ không có gì thay đổi. Nói cách khác, chính sách kích cầu sẽ không có tác dụng.


(Một ví dụ dí dỏm khác trong việc ứng dụng kỳ vọng hợp lý là câu chuyện của Rita C. Lucas, vợ của Robert Lucas. Vào đầu năm 1989, khi quyết định ly hôn với chồng, bà đã bắt chồng phải chấp nhận điều khoản phân chia tài sản tương lai, cụ thể là một nửa số tiền thưởng nếu ông được giải Nobel Kinh tế học. Điều khoản hết hạn vào ngày 31 tháng 10 năm 1995. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã quyết định trao giải Nobel Kinh tế học cho Robert Lucas “vì đã phát triển và áp dụng giả thuyết về kỳ vọng hợp lý, và do đó đã chuyển đổi phân tích kinh tế vĩ mô và hiểu sâu hơn về chính sách kinh tế” vào ngày 10 tháng 10 năm 1995. Kỳ vọng hợp lý của Rita, vì vậy, là một kỳ vọng rất… hợp lý!)


Phê bình Kinh tế học Keynesian


Trên cơ sở giả định của mình, Lucas đã xuất bản nghiên cứu năm 1973 với tựa đề “Đánh giá chính sách kinh tế lượng: Bài phê bình”. Nghiên cứu của ông phê bình gay gắt các chính sách kinh tế vĩ mô thời bấy giờ vì chúng đã được hình thành khi bỏ qua sự thay đổi trong kỳ vọng về tương lai của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, nếu chỉ nhìn vào lịch sử để thấy rằng lạm phát và thất nghiệp có xu hướng ngược nhau, nhà nước (ngân hàng trung ương) có thể bơm tiền để tăng lạm phát với mong muốn giảm thất nghiệp. Tuy nhiên, khi kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp thay đổi để làm quen với lạm phát mới, họ sẽ vẫn tiêu dùng và đầu tư ở mức như trước đây. Thất nghiệp sẽ không đổi, nhưng lạm phát lại tăng lên.


Tại thời điểm đó, lý luận của Lucas được tiếp nhận và tôn vinh rất nhanh vì nó phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô. Qua các cú sốc tăng của giá dầu mỏ thế giới, nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái đầu những năm 1970s. Các nỗ lực kích cầu của Fed đã không thể đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại, mà chỉ đưa đến thập niên siêu lạm phát chưa từng có ở Mỹ.


Theo Lucas, điều nhà nước cần làm là:


Thứ nhất, tôn trọng doanh nghiệp và người dân như những chủ thể thông minh, độc lập, luôn có thể nắm bắt rất nhanh bất cứ điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế và điều chỉnh kỳ vọng của họ cho phù hợp (kỳ vọng hợp lý);


Thứ hai, nhìn nhận nền kinh tế như một hệ thống độc lập vận hành trên các yếu tố mà các chính sách ngắn hạn không thể xoay chuyển, như lao động, tài nguyên, công nghệ v.v.. ;


Thứ ba, quy tắc hoá chính sách thay vì trao quyền cho các nhà hoạch định chính sách để các chủ thể luôn có được kỳ vọng hợp lý đúng đắn cho tương lai, trên cơ sở đó ra được các quyết định kinh tế phù hợp nhất.


Trong hơn 30 năm tiếp theo, Lucas phát triển sâu hơn các lý luận của mình, chèo lái con thuyền nghiên cứu nghiêng hẳn về bên bờ của trường phái Kinh tế học tân cổ điển, với sự trợ giúp của động cơ là mô hình Cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát (DSGE). Thay vì chỉ nghĩ đến cầu kinh tế như Kinh tế học Keynesian, Lucas buộc mọi người phải nghĩ đến hành động của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế cùng lúc ra các quyết định để xác định cung, cầu, giá cả và các điểm cân bằng tương ứng --- hay còn gọi là “cân bằng tổng quát”. Thay vì chỉ nghĩ đến hiện tại, Lucas buộc mọi người phải nghĩ đến tương lai qua kỳ vọng hợp lý, và vì vậy, mô hình kinh tế phải luôn là những mô hình “động”. Và thay vì ứng phó với những cú sốc đã xảy ra, Lucas cũng buộc mọi người phải nghĩ đến những cú sốc “ngẫu nhiên” có thể xảy ra trong tương lai.


Có thể nói, nếu Keynes sống qua những thập niên 70-80-90s, Lucas chính là kỳ thủ đối đầu trực tiếp với Keynes, là người đã lật đổ tượng đài chân lý của Kinh tế học Keynesian. Trong khi Keynes đề cao những chính sách kích cầu ngắn hạn, Lucas cho rằng các chu kỳ kinh doanh đều giống nhau và về lâu dài, những dao động ngắn hạn không đáng để quan tâm. Thay vào đó, chính phủ chỉ nên tập trung phát triển các yếu tố thực của nền kinh tế.


Thay đổi quan điểm


Năm 2003, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, Robert Lucas đã tuyên bố “vấn đề căn bản của việc ngăn ngừa khủng hoảng đã được giải quyết, cho tất cả các mục đích thiết thực, và trên thực tế đã được giải quyết trong nhiều thập kỷ.” Theo Lucas, các chính phủ phải tập trung vào kinh tế phát triển --- hoạch định chính sách phục vụ phát triển dài hạn (vốn, con người, công nghệ…) chứ không phải là xử lý các chu kỳ kinh doanh ngắn hạn.


Năm 2007-08, Khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, đẩy nền kinh tế Mỹ vào khoảng thời gian suy thoái nặng nề nhất kể từ khi trước khi Lucas được sinh ra. Giới kinh tế học, dù ở trường phái nào, và cả giới hoạch định chính sách đều rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Những mô hình, những lý thuyết, những số liệu và những công cụ chính sách sẵn có đều không thể lý giải hay góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng này. Đây cũng là thời điểm mà công chúng biết tới cái tên Lucas nhiều hơn bởi trích dẫn lời phát biểu của ông vào năm 2003. Uy tín của Lucas nhất thời rơi vào trạng thái lung lay.


Nhưng đó cũng là lúc người ta mới thấy được sự tỉnh táo, tính logic và khả năng ứng dụng “kỳ vọng hợp lý” cho chính bản thân mình ở Lucas mà ít người có được. Song song với việc nhìn về tương lai để hình thành kỳ vọng hợp lý, một khía cạnh không thể thiếu của giả thuyết này là việc các chủ thể trong nền kinh tế cập nhật thông tin thực tế để điều chỉnh kỳ vọng của mình. Lucas làm được điều đó khi năm 2008 đã thừa nhận “chắc mọi người đều theo trường phái Keynesian khi khó khăn”. Năm 2009, ông đã viết trên tạp chí The Economist, thừa nhận Chủ tịch Fed Ben Bernanke và những nhà hoạch định chính sách tiền tệ khác đã suất sắc trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng, ứng dụng hài hoà kết quả nghiên cứu của Keynes và nhiều người khác nữa.


Đến năm 2011, Lucas thừa nhận hai điều mà trước đó ông đã cực lực phủ nhận. Thứ nhất, nếu Fed có thể chi tiền để giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng và kích thích nền kinh tế (chính sách tiền tệ), thì chính phủ cũng có thể làm như vậy --- chính sách tài khoá theo trường phải Keynes là có lý. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế dài hạn không chỉ chịu những cú sốc thực về công nghệ, nguyên vật liệu, vốn tài nguyên hay con người,v.v., mà còn chịu cả những cú sốc danh nghĩa, như tiền tệ và tài chính --- điều mà mới chỉ xảy ra 02 lần, vào trước khi ông sinh ra (giai đoạn 1929-1933) và vào thời điểm 2007-08.


Lucas đã viết, “đương nhiên, như thế cũng có nghĩa là tôi đã phải chối bỏ cách nhìn là tất cả chu kỳ kinh tế đều giống nhau!” Nói cách khác, Lucas đã sai, ông chấp nhận điều đó và sẵn sàng tiếp tục nghiên cứu để tìm ra mô hình tối ưu, sát thực tế hơn.


Di sản của Lucas


Robert E. Lucas bắt đầu nghiên cứu kinh tế một cách bài bản và nghiêm túc vào khoảng năm 1960, sau 63 năm cống hiến, đã qua đời ở tuổi 85. Ông không phải là người đầu tiên viết nên khái niệm “kỳ vọng hợp lý”. Không phải là người đầu tiên chỉ trích Kinh tế học Keynesian. Cũng không phải là cha đẻ của “cân bằng tổng quát.” Ông không phải là người trực tiếp phát triển DSGE, đó là việc mà Prescott và Kydland và nhiều người khác đã làm. Những kiến nghị chính sách của ông cũng có thể tìm được ở đâu đó trước khi những nghiên cứu của ông được xuất bản.


Nhưng Lucas là người đặt tất cả những điều đó vào với nhau trong một khung lý thuyết bài bản, thống nhất và đồng bộ.


Đến nay, kể cả với sự trở lại của Kinh tế học Keynesian mới, những công cụ của Lucas vẫn được sử dụng. Hơn thế nữa, tư duy về sự vận hành của nền kinh tế xuất phát từ hành động hợp lý của từng chủ thể mà Lucas đã đặt ra tiếp tục là nền tảng cho tất cả các lý thuyết kinh tế vĩ mô đang được sử dụng.


Và vì thế, kinh tế học từ nay về sau chắc chắn sẽ luôn tưởng nhớ Robert E. Lucas./.

127 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page