Điểm tin tuần 20-27/3/2022 xoay quanh các nhóm nội dung chính sau:
Về dịch bệnh Covid-19 trong nước
Những số liệu trong thời gian gần đây cho thấy tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát tốt. Sau một thời gian chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh do biến chủng Omicron, đến cuối tháng 3, số ca nhiễm mới đã vượt qua đỉnh và đang có xu hướng đi xuống. Tuy vậy, Covid-19 chưa nên được coi là bệnh đặc hữu do vẫn còn những diễn biến phức tạp và khó lường về số ca nhiễm giữa các địa phương, số ca tử vong và những biến chủng mới có thể xuất hiện.
Những tín hiệu tích cực là tiền đề để Việt Nam mở cửa lại du lịch quốc tế vào ngày 15/3. Việt Nam đạt được thỏa thuận hộ chiếu với nhiều quốc gia, nhiều quy định về nhập cảnh và cách ly được nới lỏng cho khách quốc tế. Một số ý kiến cho rằng mở cửa lại nền kinh tế là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi lại sau dịch. Trong năm 2019, ngành du lịch đã đóng góp trực tiếp 9,2% vào GDP cả nước.
Trong thời gian tới, để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron và những biến chủng mới, Việt Nam nên tiếp tục triển khai tiêm tăng cường và ban hành hướng dẫn y tế hợp lý. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1722/VPCP-KGVX về tiêm mới cho trẻ từ 3-5 tuổi, cũng như tiêm các mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng khác.
Về diễn biến giá xăng
Tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bên cạnh đó, trong Phiên họp, Phó thủ tướng cũng yêu cầu giá xăng dầu cần sát với thế giới, tránh để tình trạng giá tăng nhanh nhưng giảm nhỏ giọt. Cùng với đó, Quỹ bình ổn giá cần được sử dụng một cách hợp lý, giúp giá xăng dầu tăng thấp hơn so với mức tăng thế giới. Trong buổi họp chiều ngày 24/3, Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát, xem xét lại các loại thuế, chi phí,… trong giá xăng dầu. Ngoài ra, cơ quan Quốc hội cũng đề nghị sử dụng các công cụ khác như hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi xấu.
Một số ý kiến từ các chuyên gia cho hay giá xăng dầu hiện đang gặp tình trạng “thuế chồng thuế”. Một số giải pháp được đưa ra nhằm ổn định thị trường xăng dầu như tăng cường khả năng dự báo nhằm đảm bảo cung ứng, giảm thuế với các năng lượng sinh học, các gói an sinh xã hội.
Về lao động
Một số thông tin gồm số liệu về thiệt hại do tai nạn lao động gây ra và phương hướng giải quyết, định hướng trong việc cải cách Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mới về tăng giờ làm thêm cho người lao động. Giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động là không quá 60 giờ mỗi tháng và 300 giờ mỗi năm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản chính thức về việc điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/4. Thông qua cuộc điều tra này, Bộ sẽ có cơ sở để điều chỉnh mức lương tối thiểu cho năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động và lương cho các doanh nghiệp.
Một số thông tin trong nước khác
Xuất nhập khẩu của một số loại mặt hàng và ngành hàng không Việt Nam gặp khó khăn do căng thẳng Nga-Ukraina. Những khó khăn này có tác động gián tiếp lên doanh nghiệp, làm tăng chi phí hậu cần và hàng hóa. Cũng liên quan tới xuất nhập khẩu, Việt Nam đạt xuất siêu gần 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 3, tuy vậy, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD trong Quý I.
Liên quan tới ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 422/QĐ-NHNN trong đó gồm việc tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng lớn, thông tin về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng an toàn và giải quyết nợ xấu. Về thuế, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo về việc lùi thời hạn nộp nhiều loại thuế quan trọng và tiền thuê đất cho các đơn vị kinh doanh.
Tại buổi làm việc với TP. HCM về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư mong muốn phát triển hạ tầng quản lý, giao thông và năng lực hậu cần.
Tin tức quốc tế
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có động thái rời khỏi thị trường Nga. Căng thẳng Nga-Ukraina tiếp tục khiến giá xăng dầu tăng. Một điểm sáng đó là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco, đã quyết định đầu tư vào tăng cường sản xuất dầu. Hệ quả từ khủng hoảng dầu mỏ lần này đó là các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn trong điều chỉnh cung ứng xăng dầu; nhiều quốc gia gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, ví dụ như Anh với mức lạm phát tăng ở mức cao nhất kể từ năm 1992.
Ý kiến quốc tế
Căng thẳng Nga-Ukraina cùng khủng hoảng chuỗi cung ứng tăng cầu năm 2021 cho thấy xu hướng nội địa hóa chuỗi cung ứng, cơ hội phát triển của một số ngành nghề như in 3D và xu hướng chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng điện và sinh học. Các chuyên gia cho rằng tập trung vào hỗ trợ người gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng là một biên pháp hữu hiệu hơn cắt giảm thuế.
Sử dụng học thuyết Khoảnh khắc Minsky, sự tăng giá của thị trường nhà đất có thể là dấu hiệu của sự sụp đổ của thị trường này trong thời gian sắp tới do niềm tin của người tiêu dùng được thổi phồng hậu Covid-19.
Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.
Comments