top of page
Ảnh của tác giảHữu Đạo

Kinh tế vĩ mô Việt Nam 11 tháng năm 2024

Hathaway Policy (HWP), trong thời gian vừa qua, luôn theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam. Từ cuối năm 2022 tới nay, HWP thể hiện những phân tích và theo dõi của mình qua Báo cáo kinh tế vĩ mô quý và Nhận định kinh tế vĩ mô theo tháng của Việt Nam. Dưới đây là quan điểm và nhận định của HWP về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tại thời điểm tháng 11 năm 2024.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng năm 2024 cơ bản duy trì xu hướng tốt, phù hợp với xu thế phục hồi của cả năm, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau.

Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là điểm sáng lớn nhất trong hệ thống các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng này khi ước đạt 562,0 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với biến động mùa vụ hàng năm, khi nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân sẽ thường tăng cao vào cuối năm.

Thứ hai, FDI duy trì vai trò động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/11/2024 đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam mười một tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chưa có những tăng trưởng đột biến như kỳ vọng, các chỉ số xung quanh FDI thể hiện Việt Nam vẫn đang là đích đến được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, xuất nhập khẩu hàng hoá cũng thể hiện nhiều nét sáng cho bức tranh kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024. Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước (theo chu kỳ mùa vụ hàng năm) và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Thứ tư, từ đầu năm 2024 tới nay, cả nước có hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 905,7 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, tương đương về vốn đăng ký và giảm 8,0% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong mười một tháng năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp giảm, quy mô doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực trong năm qua.

Thứ năm, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 11/2024 được xác định ở mức 50,8 điểm [1] sau khi đạt được mức 51,2 vào tháng trước. Mặc dù vẫn ở trên mức mở rộng, việc PMI giảm so với tháng trước là một tín hiệu cần được chú ý đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, tính chung mười một tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Mức tăng tốt, nhưng không ổn định của IIP cùng với sự “trồi sụt” của chỉ số PMI là những yếu tố cần theo dõi thêm.

Nói tóm lại, các chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát cho thấy triển vọng cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2024 theo đà hoàn thiện giai đoạn hồi phục sau COVID-19. Vì đâu đó còn những số liệu cần quan tâm sát sao, Hathaway Policy vẫn giữ kiến nghị thận trọng quan sát và chuẩn bị phương án cho kịch bản kém tích cực hơn./.


---------

43 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page