Điểm tin tuần từ 06 - 13/3/2022 xoay quanh chủ đề Xung đột giữa Nga -Ukraine và những ảnh hưởng tới kinh tế thế giới với nội dung như sau:
Từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu nổ ra, giới chuyên môn đã có những phân tích và đánh giá về ảnh hưởng của cuộc xung đột này đến nền kinh tế thế giới. Dưới đây là một số nhận định chủ yếu.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra vào ngày 24/02/2022. Trước sự kiện này, Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới đã có những động thái về kinh tế nhằm bày tỏ quan điểm trước sự kiện này. Cụ thể, Đức đã dừng mua khí đốt từ Nga, riêng Mỹ thậm chí đã đưa ra động thái ngăn chặn nhập khẩu dầu thô từ các nguồn của Nga. Tiếp theo đó, 36 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu đã thông báo đóng cửa không phận với các máy bay của Nga và chính quyền tổng thống Putin cũng đáp trả bằng lệnh cấm tương tự với các nước nêu trên.
Trên mặt trận tài chính, Mỹ, Anh, Canada và một số nước khác đã thực hiện khai trừ 7 ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Chính sách này cùng lệnh cấm vận thương mại đối với một số loại hàng hóa như rượu, lúa mỳ, linh kiện bán dẫn,… được đưa ra nhằm gây sức ép lên các hoạt động xuất – nhập khẩu của Nga. Cùng với đó, một số biện pháp khác như phong tỏa tài sản của các quan chức chính phủ, một số tỷ phú và cả tài sản nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga cũng được nhiều nước đồng thời thực hiện.
Những động thái nêu trên từ phía các quốc gia và diễn biến trực tiếp của cuộc xung đột, được cho là, đang và sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Nga, Ukraine cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu.
Một số ảnh hưởng cụ thể được xác định bao gồm:
Về thị trường nhiên liệu và năng lượng, với vai trò là nhà cung cấp khí đốt chiếm thị phần trên 40% của châu Âu, thậm chí là hơn 65% của Đức, cũng như là nhà cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan tới dầu thô lớn thứ 3 thế giới, việc giá dầu thô gia tăng trước những động thái xung quanh xung đột giữa Nga – Ukraine là điều có thể dự đoán. Tính đến ngày 07/3/2022, giá dầu thô đã vượt mức 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng tăng cao, góp phần làm trầm trọng hơn nguyên nhân dẫn đến lạm phát của một số quốc gia trên thế giới mà cụ thể là Mỹ, Anh,…. Đồng thời việc cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga vào nhiều quốc gia được dự đoán sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực năng lượng khiến giá điện leo thang trong tương lai.
Về thị trường lương thực, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến việc sản xuất lúa mỳ của Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề, các cảng xuất khẩu lúa mỳ của nước này phải dừng hoạt động. Đồng thời, cấm vận thương mại đối với lúa mỳ và các mặt hàng lương thực khác từ Nga dẫn tới việc giá lương thực nói chung và lúa mỳ nói riêng gia tăng. Cụ thể, giá lúa mỳ đã tăng hơn 55% và được dự đoán tăng đến 77% giá ban đầu. Bởi Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lúa mỳ với tổng thị phần chiếm trên 25% nhu cầu lúa mỳ của thế giới, việc giá lúa mỳ leo thang đưa đến tình trạng bất ổn cho an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là với nhiều quốc gia đói nghèo như Yemen, Nigeria, v.v.
Về xuất nhập khẩu, lệnh đóng cửa không phận của các quốc gia và đáp trả từ phía Nga cùng với hàng loạt lệnh cấm vận tải bằng đường sắt và đường biển đã đưa đến những xáo trộn trong lộ trình vận chuyển hàng hóa quốc tế. Cùng với việc Nga là một trong số các nhà cung cấp lớn về nguyên liệu đầu vào cho chế tạo các linh kiện bán dẫn sử dụng trong các ngành công nghiệp điện tử cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Việc này có nguy cơ kéo dài tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra bởi đại dịch COVID-19 – vốn đã mong manh và đang trong quá trình phục hồi.
Về thị trường tài chính thế giới, việc Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu khai trừ 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng như đe dọa việc sẽ phong tỏa kho dự trữ ngoại tệ trị giá 600 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga trên toàn thế giới được dự đoán sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với nền kinh tế Nga nói riêng.
Ngược lại, các quốc gia châu Âu cũng đồng thời phải hứng chịu những bất ổn tài chính. Cụ thể, việc các ngân hàng lớn trong khối Liên minh châu Âu có các mối quan hệ đầu tư, vay nợ tài chính với các doanh nghiệp của Nga sẽ phải chịu những rủi ro và ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt đang được thi hành, mà hiệu hữu nhất là nguy cơ mất giá của đồng Euro.
Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng mang đến lợi ích cho một vài quốc gia cụ thể là:
Về người nhập cư, cuộc xung đột đã khiến một lượng lớn người dân Ukraine di cư sang các quốc gia trong khối châu Âu và Canada. Đây là một nguồn lao động dồi dào bổ sung cho hoạt động sản xuất mà các quốc gia tiếp nhận có thể tận dụng nếu đưa ra được các chính sách đãi ngộ hợp lý.
Canada là quốc gia có chính sách được đánh giá là phù hợp cho việc sử dụng nguồn lao động từ những người nhập cư này. Tại thời điểm cuối tháng 02/2022, cơ quan xuất nhập cảnh Canada IRC đã áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ người nhập cư tới từ Ukraine để đảm bảo thủ tục nhập cư là nhanh nhất và đi kèm với giấy phép lao động thời hạn 2 năm.
Về các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khác trên thế giới, việc giá dầu mỏ tăng và hạn chế nguồn cung ứng khí đốt và dầu mỏ của Nga trên thị trường thế giới có thể mở ra những khoảng trống trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ mà những quốc gia như Saudi Arabia, Iraq,… có thể tận dụng.
Nhìn chung, xung đột giữa Nga và Ukraine được coi là tín hiệu cho một năm 2022 với nhiều khó khăn. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Morgan Stanley đã đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế chung khá ảm đạm khi nhận định sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Đặc biệt dự báo tăng trưởng GDP được tổ chức này đưa ra cho các nước thuộc Liên minh châu Âu chỉ còn khoảng 3,0% (giảm 1,6% so với dự báo ban đầu). Cùng với đó, dự báo lạm phát của EU trong năm 2022 tăng từ mức 2,3% lên mức 5,3%.
Xem nội dung chi tiết tại slide dưới đây./.
Comments