top of page

Chuyển đổi lao động - việc làm ở vùng Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ là vùng được thiên nhiên ưu đãi và là vùng nông nghiệp lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống của người lao động trong vùng lại rất khiêm tốn với không ít những vấn đề nổi cộm về lao động - việc làm. Trong bài viết, các tác giả đã phân tích những nhân tố ảnh hưởng và vấn đề đặt ra khi giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu lao động – việc làm vùng Tây Nam Bộ.

Chuyển đổi lao động - việc làm ở vùng Tây Nam Bộ

Bài viết “Chuyển đổi lao động – việc làm ở vùng Tây Nam Bộ” của hai tác giả Lê Quỳnh Trang và Chu Thị Lê Anh được đăng trên tạp chí Lý luận Chính trị số 11/2020 với mong muốn cung cấp được một bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội cũng như lao động – việc làm của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, để từ đó có thể đề xuất được những kiến nghị giải pháp hữu ích giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu lao động – việc làm của vùng.


Khái quát những vấn đề kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới tình hình lao động - việc làm của các tỉnh Tây Nam Bộ, các tác giả đã nêu lên ba nhóm nhân tố chủ yêu bao gồm: i) nông nghiệp đóng vai trò quan trọng nền kinh tế do những lợi thế về điều kiện tự nhiên nhưng những năm gần đây lại gặp phải nhiều thách thức do biến đổi khí hậu; ii) các tỉnh trong vùng có tiềm năng phát triển một số ngành công nghiệp và dịch vụ như công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, v.v.; iii) dân số và quy mô lực lượng lao động tuy dồi dào với chi phí thấp nhưng gần đây lại có xu hướng sụt giảm cả về tỷ lệ tăng dân số tự nhiên lẫn di cư.


Đứng trước bối cảnh đó, đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 đã nhấn mạnh: vùng Tây Nam Bộ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản nhưng cũng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong đề án, việc chuyển đổi cơ cấu lao động – việc làm trong nội bộ vùng là một yếu tố căn cốt.


Bài viết đánh giá, sau hơn 10 năm triển khai đề án, vấn đề lao động - việc làm của vùng mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thể hiện ở những điểm: Một là, cơ cấu lao động vẫn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu với mức thu nhập thấp. Năm 2018, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của toàn vùng vẫn chiếm đến 42,2% lực lượng lao động nhưng thu nhập từ nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 24,4% thu nhập của người lao động, tương ứng là 877 nghìn đồng/tháng; Hai là, việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức với mức thu nhập khiêm tốn, công việc không ổn định và thiếu sự bảo vệ cần thiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước; Ba là, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo vẫn đang thấp nhất cả nước, chỉ tương đương 13,3% lực lượng lao động trong vùng với nhiều bất cập trong cơ cấu đào tạo; Bốn là, hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm còn thấp. Công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018 cho thấy, tỷ lệ lao động được giới thiệu việc làm thành công tại các Trung tâm dịch vụ việc làm công lập của cả nước là 12,88% và tỷ lệ này ở vùng Tây Nam Bộ chỉ đạt 1,91%.


Để khắc phục được tình trạng chậm chuyển đổi cơ cấu lao động – việc làm, các tác giả cũng đã đề xuất bốn nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm: i) thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng; (iii)  tăng cường các biện pháp nhằm giảm tỷ trọng lao động phi chính thức; (iv) tăng cường hiệu quả kết nối cung cầu lao động trên thị trường thông qua các trung tâm giới thiệu và dịch vụ việc làm./.


------------------------------

Xem thêm về bài viết tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3427-chuyen-doi-lao-dong-viec-lam-o-vung-tay-nam-bo.html

bottom of page